Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Về đại hội XII của ĐCSVN

Về đại hội XII của ĐCSVN 
http://viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_YeuNuoc.htm
Chữ tín
Bài 4: 
Yêu nước và nói thật
Nguyễn Trung


I – Hãy đối mặt với sự thật
Đọc lại nhiều ý kiến tâm huyết từ rất nhiều nơi trong nước trong các năm 2010, 2011 góp ý cho đảng nhân dịp đại hội XI, tôi thấy hầu như chẳng có ý kiến nào được tiếp thu. Mọi vấn đề được đặt ra hồi ấy, hôm nay vẫn còn nguyên vẹn. Khác chăng là tình hình mọi mặt của đất nước và của đảng hôm nay có nhiều mặt xấu hơn so với cách đây ba, bốn năm, xấu hơn nhiều so với các năm khóa X, khóa IX... Tình hình đòi hỏi phải chặn đứng xu thế này.

Thực tế đại hội XII phải đối mặt là:
1.  Kinh tế khủng hoảng cơ cấu nghiêm trọng, đặt ra nhiều vấn đề nan giải, nguồn lực mọi mặt (kể cả chất xám, năng lực quản trị đất nước, nguồn nhân lực) để cải tạo cơ cấu cũng như để chuyển nền kinh tế đi vào một thời kỳ phát triển mới đều rất hạn chế, trong khi đó cạnh tranh kinh tế ngày càng quyết liệt, bối cảnh chính trị quốc tế đặt ra nhiều thách thức mới.
2.  Thể chế chính trị nói chung, thể chế nhà nước nói riêng ngày càng lạc hậu so với sự phát triển của đất nước và mọi đòi hỏi mới đặt ra; tha hóa, quan liêu và tham nhũng không kiểm soát được; hiến pháp vừa mới sửa đổi trong thể chế hiện hành khó có khả năng cải thiện tình hình. Trong khi đó đời sống văn hóa xã hội tiếp tục xuống cấp và ngày càng nhiều bất cập; đặc biệt sự tụt hậu xa về giáo dục đang băng hoại nhiều giá trị, làm suy yếu phẩm chất con người và nguồn nhân lực quốc gia, để lại nhiều hậu quả lâu dài cho tương lai.
3.  Đảng hôm nay tiếp tục tha hóa về phẩm chất, trí tuệ và năng lực; tổ chức của đảng ngày càng bất cập trước sự phát triển, trước tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước nói chung và của đảng nói riêng; năng lực lãnh đạo của đảng ngày càng mờ nhạt vì bế tắc về quan điểm đường lối; hệ quả là đảng đang rơi tiếp trong xu thế từ một đảng lãnh đạo xuống thành một lực lượng chính trị độc quyền.
Toàn bộ tình hình trên đặt ra đòi hỏi sống còn: Cải cách thể chế chính trị và triệt để đổi mới đảng là lối thoát duy nhất để đưa đất nước đi vào một thời kỳ phát triển năng động mới, đáp ứng đòi hỏi cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, đồng thời để có thực lực đối mặt được với mọi thách thức mới. Đòi hỏi này đã chín muồi từ trước khi họp đại hội X, đại hội XI, được rất nhiều ý kiến tâm huyết của cả nước thôi thúc, song đã bị làm ngơ. 
Đã đến lúc đảng phải có ý chí nhìn thẳng vào sự thật với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nghiên cứu mổ xẻ thực trạng mọi mặt của đất nước, của đảng, và tìm giải pháp. Tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế cho thấy đòi hỏi cải cách toàn diện đất nước đã tới thời điểm chín muồi trên hai phương diện cực kỳ quan trọng:
-  Tha hóa và nguy cơ sụp đổ đã đến mức không thể trì hoãn cải cách canh tân đất nước.  
-  Thực lực và tình hình mọi mặt của đất nước và bối cảnh quốc tế cho thấy hiện nay còn đủ sức và có cơ hội tiến hành cải cách thành công; lúc này tiến hành cải cách là tối ưu nhất đối với đất nước. Càng để muộn, triển vọng này sẽ mất đi nhanh chóng, đồng thời nguy cơ hiểm họa tăng lên.
Với cách đặt vấn đề như trên, đề nghị ngay từ bây giờ nên bắt tay vào mọi công việc của đại hội XII với nhận thức và ý chí hoàn toàn khác, không bị ràng buộc vào ý thức hệ hay bất kỳ tiền lệ hoặc công thức nào, chỉ có đòi hỏi quyết liệt hiện nay của lợi ích quốc gia quyết định tất cả.
Không nên tiến hành chuẩn bị đại hội XII như cách đang làm của đường mòn lâu nay.
Rất nên huy động chất xám đánh giá khách quan tình hình mọi mặt của đất nước và kiến nghị giải pháp, trên cơ sở này xây dựng chiến lược cải cách canh tân đất nước (gọi tắt là cải cách), vì những lý do sau đây:
-  Giai đoạn của công cuộc đổi mới đã làm làm xong nhiệm vụ của nó. Ở chỗ đứng hiện nay và trước những vấn đề mới đặt ra, giai đoạn phát triển mới của đất nước nên bắt đầu bằng cải cách, mở ra triển vọng mới của đất nước độc lập thống nhất. Cải cách như thế nên được thiết kế như một giai đoạn phát triển mới, để đưa Việt Nam đi tiếp trên con đường trở thành nước phát triển.
-  Mục tiêu năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại – theo suy nghĩ của tôi – là không thể hoàn thành được, dù nhìn theo bất kỳ phương diện nào. Hơn thế nữa sau 3 thập kỷ phát triển ban đầu, sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước hiện nay đang mất phương hướng, hay là đang đi vào hướng sai ngày càng bế tắc – đấy là hướng trở thành nước cho thuê, nước đi làm thuê.
-  Đất nước đang ngày càng tích tụ nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nan giải. Đồng thời sự tha hóa hiện nay của chế độ chính trị khách quan cũng đặt ra đòi hỏi phải thực hiện một quá trình cải cách, với mục đích tìm đường ra khỏi hướng đi bế tắc hiện tại và tạo ra sự phát triển mới của đất nước.
Với cách đặt vấn đề như vậy, tôi cho rằng 5 – 10 năm tới sẽ là thời kỳ vô cùng quan trọng: phải ra khỏi những khó khăn rất lớn hiện nay, đồng thời phải thực hiện được những bước đầu tiên của sự nghiệp cải cách, đặt nền móng cho một quá trình phát triển mới bền vững. Có thể nói kể từ khi đất nước độc lập thống nhất, sự nghiệp cải cách lần này mở đầu sự nghiệp đổi đời đất nước, để kiên định bước đi trên con đường trở thành một nước phát triển.
Đặt ra vấn đề phải cải cách, còn vì lẽ có quá nhiều di sản tai hại và nặng nề của quá khứ xa xưa nay còn bám rễ hoặc thậm chí đang có phát triển mới trong lòng chế độ hôm nay.
Đặt ra vấn đề phải cải cách, còn vì lẽ những hiện tượng tha hóa trong 4 thập kỷ đầu tiên của đất nước độc lập thống nhất cũng tạo ra một thứ di sản văn hóa không thể được dung dưỡng trong một nước phát triển.
Nếu nhận định trên là đúng, nhiệm vụ chính trị của đại hội XII sẽ phải là chặn đứng xu thế phát triển nguy hiểm hiện nay, thông qua cải cách mở ra một thời kỳ phát triên mới của đất nước và của đảng.
Sự thật là trong đảng viên cũng có người nghĩ: Đảng ngày nay hư hỏng và tham nhũng đến thế này rồi thì không thể cải tạo được nữa! Cứ để cho nó sụp đổ quách đi cho xong, lập lại cuộc đời! Níu kéo mãi sự ê chề này khổ dân khổ nước lắm, nhục lắm!.. Thậm chí suy nghĩ này còn viện dẫn Yeltsin giấy trắng mực đen làm cơ sở.
 Suy nghĩ nói trên có thể thông cảm được, song là cách nhìn tiêu cực và nguy hiểm, đồng nghĩa như chịu bó tay trước thảm họa đang đến. Mặt khác, tự che khuất nguy cơ thảm họa bằng những suy nghĩ thiển cận, hoặc bằng cách giấu dân, lừa dân, tình hình đất nước không vì thế mà bớt xấu đi.
Lãnh đạo đảng và toàn đảng nên sớm tạo ra nhận định thống nhất của cả nước và trong đảng về toàn bộ thực tế đất nước nêu trên, đồng lòng tìm đường tiến hành cải cách thay đổi tình hình đất nước.

II – Tinh thần Cách mạng Tháng Tám – Tuyên ngôn Độc lập – Hiến pháp 1946
         
Đó là tinh thần toàn dân một lòng đứng lên giành lại đất nước, dựng lên chế độ do mình làm chủ. Đó là con đường dân tộc – dân chủ. Trong sự nghiệp này, lúc ấy ĐCSVN là người tổ chức, người dẫn đường, và tự mình đã xả thân cùng toàn thể dân tộc chiến đấu cho sự nghiệp này.
Nói công bằng, dấy lên được tinh thần này và đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi, công đầu là của ĐCSVN thời kỳ tinh hoa của nó. Về sau, tinh thần này đã bị xâm phạm. Đây là một chuyện khác, rồi đây cần được mổ xẻ để rút ra những bài học cho sự nghiệp cải cách canh tân đất nước.
Tinh thần dân tộc – dân chủ ấy hiển nhiên là sự kế thừa các triết lý và các giá trị của văn minh nhân loại, không thể tìm thấy trong tinh thần này bất kỳ một thứ “chủ nghĩa” nào. Tinh thần này đã làm nên sự nghiệp. Đất nước ta hiện nay chỉ có vấn đề vứt bỏ tinh thần này, không trung thành với tinh thần này, đang cố chôn vùi tinh thần này bằng “chủ nghĩa”, nô dịch đất nước bằng chủ nghĩa. Nước ta hiện nay không có vấn đề tinh thần này đã lỗi thời, mà chỉ có vấn đề tinh thần này cần được đánh thức lại và phải được hun đúc hơn bao giờ hết.
Tinh thần này được ghi lại trong lời nói đầu của Hiến pháp sửa đổi 2013. Song đấy chỉ là cái bia dựng lên cho nấm mộ của những việc đã qua, nội dung của Hiến pháp 2013 không có gì liên quan đến và thậm chí đi ngược tinh thần này.
Cả tình cảm và lý trí, riêng tôi rất mong sự nghiệp cải cách nên được khởi xướng với tinh thần này, được nuôi dưỡng bằng tinh thần bất hủ này. Cũng phải nói ra một tình cảm rất riêng tư nữa, trong đại gia đình mình, tôi có cha chú mình cống hiến cho tinh thần này từ trước năm 1945 với tất cả trí tuệ và nhiệt huyết của thời ấy, nên tôi có sự gắn bó thiêng liêng, tôi không thay đổi được mình. Bản thân tôi cũng được nuôi dưỡng và bước vào đời với tinh thần này. Bây giờ kinh nghiệm đường đời giữ cho tôi kiên trì với tinh thần này.
Tôi không giấu diếm, kiên trì với tinh thần này cũng là thái độ tôi lựa chọn đối với mọi thứ “chủ nghĩa” và mọi “thần tượng”. Trong tôi có khát khao của tự do và có người tôi yêu, nên chẳng lúc nào thích hợp với “chủ nghĩa” và “thần tượng”. Đấy là trong tư duy cho riêng mình thì như thế. Song trong việc của đất nước, tôi khuyến nghị tạm thời gạt mọi tranh luận về “chủ nghĩa” sang một bên cho lúc nào đó sẽ hay, đừng để nó đánh lạc hướng mình. Việc này trước sau sẽ phải làm, song trước mắt khoan khoan đã, và nếu làm cũng phải từng bước.
Việc cả nước bây giờ, cả nước nên tập trung mọi trí tuệ, nỗ lực và giải pháp của những việc phải làm cho cải cách, theo sự mách bảo của lẽ phải, của các kinh nghiệm thất bại và thành công trong nước mình cũng như của thiên hạ, với tinh thần ta làm chủ bản thân mình chứ không chịu làm nô lệ cho bất kỳ ý thức hệ nào.
Xin dành cho chất xám cả nước vạch ra chiến lược cải cách và các công việc đại hội XII nên làm. Đây là việc của cả nước. Về phần riêng, chỉ xin góp ý: Mọi việc nên bắt đầu từ việc dễ làm nhất, hứa hẹn thành công. Nên đi từ dễ đến khó, từ việc trước đến việc sau, với một sự kiên định tuyệt đối nói đi đôi với làm. Việc mở đầu của mọi việc, đặt tiền đề cho mọi việc có lẽ là thực hiện nói thật, công khai minh bạch và dân chủ.
Nên kiên định tìm đường thực hiện cải cách của giác ngộ và của ý thức trách nhiệm, chứ không phải cải cách của cảm xúc và thói quen bầy đàn. Chỉ có thể đạt được điều này thông qua học tập.  Hơn nữa, có sự thật là trình độ quan trí, dân trí, ý thức về dân chủ, sự giác ngộ về trách nhiệm công dân, ý thức về tôn trong pháp luật… trong cả nước nói chung còn thấp, đất nước còn nhiều phong tục tập quán hủ lậu.  Hơn thế nữa, việc thực hiện dân chủ, đoàn kết, hòa giải dân tộc với tinh thần khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, không hồi tố, sẽ có nhiều điểm khác hoặc thậm chí trái ngược với những thứ chế độ chính trị  hiện tại cho là đúng hay coi là chuẩn mực, đòi hỏi phải đặt lại, học tập lại, có nhiều điểm thậm chí phải học lại từ đầu, phải qua các cuộc vận động mới thực hiện được… V… v… Toàn bộ thực tế này trên phương diện nhất định còn là hệ quả những yếu kém 40 năm của chế độ chính trị. Tất cả những điều này cho thấy cải cách không thể ăn sống nuốt tươi được, quá trình học tập để cải cách có một ý nghĩa quyết định.
Tạo mọi điều kiện cho dân học hỏi được đến đâu, dứt khoát dân sẽ đòi và tự thực hiện được cải cách đến đấy với tất cả hiểu biết và ý thức trách nhiệm của mình. Vậy muốn đẩy nhanh cải cách, thì trước hết người dân cũng phải tự đẩy nhanh quá trình học tập, giác ngộ của chính mình. Ở vị trí người cầm quyền, phải làm hết mình thúc đẩy quá trình trưởng thành nhận thức của người dân, coi đây là nhiệm vụ thề phải thực hiện trước tổ quốc, trước toàn dân.
Cả nước một lòng phấn đấu làm sao tạo nên được sự nghiệp cải cách của giác ngộ và trách nhiệm, dứt khoát loại bỏ mọi phản lực ngược lại.
Đặt vấn đề tiến hành cải cá ch như thế, sẽ có thể tiến hành cải cách trong hòa bình, ổn định, sẽ có đủ can đảm để tiến hành cải cách.
Thực ra, không đến nỗi phải bắt tay vào việc với con số không. Nhặt chỗ này chỗ khác từng điểm ngay trong các nghị quyết chính thức của ĐCSVN khóa XI, sẽ có nhiều việc đúng, đáng làm. Cái khúc mắc là ở chỗ: nói nhưng không làm được dù muốn, nói chỉ để cho đẹp, nói rồi để đấy không làm, hoặc làm không đến nơi đến chốn, nói thế nhưng làm khác… Thông điệp đầu năm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lên được nhiều việc đích đáng phải làm, cả nước đang chờ đợi xem sẽ được làm như thế nào. Có hiến pháp mới rồi – dù là nó không mới lắm, có nhiều lời nói hay, nói đúng về nó rồi, nhưng trong cuộc sống hiện nay vẫn là tiếp diễn và tái diễn nhiều chuyện trấn áp cũ. Cứ để cho nói khác với làm như thế, dứt khoát không thể cải cách được và sớm muộn sẽ mất hết, phá hủy hết; chính đây là khó khăn đầu tiên phải loại bỏ để tiến hành cải cách.
Cuộc đời có muôn vàn lối đi đến lẽ phải và hướng về chân lý, đâu có nhất thiết cứ phải trải qua những “cuộc cách mạng” hoa này hay hoa khác? Cuộc đời cũng chứng minh sự vận động như một tính quy luật: chỉ có ý chí nhưng trí tuệ chưa đủ tầm, chưa tạo ra được những yếu tố phải có khác, cũng không thể làm nên sự nghiệp cải cách. Bất kỳ sự hẫng hụt nào cũng phải trả giá. Hơn nữa, nước ta có một lịch sử khác, mọi điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khác, nay bị tụt hậu và lạc hướng, thì nhất thiết phải tìm ra cách riêng của ta để bước vào và đi chung trên con đường đi chung của nhân loại. Vả lại, nước ta đã làm cách mạng đủ rồi, bây giờ nên dồn hết trí tuệ, ý chí và mọi sức lực cho phát triển. Chia sẻ ý kiến này, tôi mong mỏi được trao đổi về sự lựa chọn của nước ta hôm nay, để cả nước cân nhắc, quyết định làm những việc phải làm.
 Nói lại chuyện cũ: Cách đây nhiều năm, UNESCO đề nghị nhà nước ta tìm lại văn bản gốc có bút tích người soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Lý do UNESCO đưa ra: Đấy là sự lên tiếng của một dân tộc bị áp bức, dám bằng trí tuệ và tinh thần giải phóng của nhân loại đứng lên tự khẳng định mình, tự giải phóng chính mình. Một văn bản như thế phải được lưu giữ trong kho tàng văn hóa của nhân loại. Tiếc thay, hồi ấy thời trứng nước, và chiến tranh ập đến sớm quá, không sao tìm lại được văn bản gốc có bút tích viết tay của người soạn thảo.
Ngày đêm, nhiều lần tôi tự hỏi mình, để tìm ra câu trả lời cho chính mình: Thực hiện cải cách như thế, ĐCSVN hôm nay sẽ còn hay mất? Lật đi lật lại, cân nhắc phải đến hàng trăm lần, cuối cùng vẫn chỉ là một câu trả lời: ĐCSVN hôm nay sẽ mất cái xác, mất luôn cả các thứ chủ nghĩa đeo bòng nó, để sống trở lại là cái đảng của tinh thần Cách mạng Tháng Tám, Tuyên Ngôn Độc Lập, Hiến pháp 1946. Võ Văn Kiệt nói đúng: Đó chính là đảng của dân tộc! Đây cũng là câu trả lời tôi chọn làm lẽ sống cho mình.

III – Nói đi đôi với làm

-  …những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ”.
-  “Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”. … , 
-  “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển.”
-  “Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước.”
-  “Nhà nước phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển. Phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước.”
-  “Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng”.
-  Vân vân*
(Trích thông điệp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).
Những điều nói trên mang tính quy luật khách quan, bất kể sự tiến bộ kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội ở quốc gia nào xưa và nay đều phải tổng kết, tuân thủ.
Thiết nghĩ người đứng đầu và các cơ quan đầu não của đảng rất nên mời chất xám của đất nước giải quyết bài toán: Làm thế nào thực hiện những vấn đề có ý nghĩa sống còn và mang tính quy luật khách quan nêu trên cho cải cách?  
Thật ra chẳng cần phải chờ đến lời mời này, không ít người có trí tuệ và tâm huyết với đất nước ngày đêm vẫn đau đáu suy nghĩ mình có thể làm gì cho đất nước, bất chấp cái giá phải trả cho tự do tư duy. Vấn đề của đất nước là những nỗ lực này bị bóp nghẹt, chứ không phải là chuyện nào khác.
Như đã nói nhiều lần và xin nhắc lại: Đất nước này không thiếu trí tuệ và những điều kiện khác cho sự nghiệp cải cách; kinh nghiệm thế giới và những điều kiện của thời đại tin học ngày nay trong thế giới toàn cầu hóa mang lại rất nhiều thuận lợi cho cải cách thành công. Chỉ cần đừng hoang tưởng dựa trên các chủ nghĩa, chỉ cần trả lại quyền làm chủ của dân cho dân, đất nước này sẽ làm nên tất cả.
Kinh nghiệm vượt qua những khúc thăng trầm của đất nước và kinh nghiệm làm nên công cuộc đổi mới của nước ta rất giầu trí tuệ. Đồng thời ngay trước mắt, nước ta có nhiều điều rất đáng học từ Myanmar hôm nay, từ Hàn Quốc, Israel, Thụy Sỹ…  Thiết nghĩ hoàn toàn có thể thiết kế nên một chiến lược cải cách, với một lộ trình bắt đầu từ nhiệm vụ chính trị của khóa đại hội XII: Đó là mở ra những bước đi đầu tiên cho toàn bộ sự nghiệp cải cách canh tân đất nước trong một hai thập kỷ tới – với phương châm: Lấy giáo dục, công khai minh bạch và dân chủ thúc đẩy cải cách, làm cho tiến bộ kinh tế đồng hành với tiến bộ cải cách,  kinh tế và cải cách đạt tới đâu mở rộng cải cách tới đấy, lấy cải cách xây dựng nên nhà nước dân tộc và dân chủ kiến tạo phát triển, với cái đích đưa Việt Nam trở thành nước phát triển.
Nói một cách khái quát, lấy cải cách để đưa đất nước tiến bước thành công trên con đường của kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, thực hiện thắng lợi sự nghiệp dân giầu nước mạnh – xã hội dân chủ công bằng văn minh.
Xin nhấn mạnh một lần nữa, theo suy nghĩ chủ quan của tôi, muốn cứu nước cứu đảng, khóa đại hội XII phải đứng ra nhận lấy sứ mệnh lịch sử là huy động trí tuệ và nghị lực cả nước, đặt cho được những viên gạch đầu tiên của nền móng phải xây nên cho sự nghiệp cải cách canh tân đất nước. Đấy chính là chương trình nghị sự 5 năm của nhiệm kỳ khóa đại hội XII trong khuôn khổ chương trình nghị sự trung hạn của đất nước trên con đường trở thành nước phát triển. Phải quyết liệt, nhưng kiên trì như dời núi lấp biển, vì chẳng có Kim tự tháp nào được xây dựng nên trong một một đêm cả.
Hai năm tới đến đại hội XII là đủ thời gian làm mọi việc để tổ chức đại hội XII với tinh thần và nội dung như thế. Năm năm của nhiệm kỳ khóa đại hội XII là đủ thời gian đổi mới đảng cho phù hợp để tham gia vào tiến trình cải cách của đất nước.
Tôi không quan tâm trong quá trình cải cách này ĐCSVN hôm nay mất hay còn, mà chỉ quan tâm đến cái đảng mình đã từng giơ tay tuyên thệ gia nhập thời trai tráng rồi đây sẽ nắm bắt được hay bỏ lỡ mất câu chuyện: một ngày nào đó trong nước Cộng hòa Dân Chủ Việt Nam có một đảng Lao động Việt Nam... Tư duy như thế, vì tôi không muốn chơi game bằng xương máu của đất nước. Nghĩ như thế, có người sẽ bảo tôi đấy là niềm tin tôn giáo. Tôi chấp nhận, đa nguyên là như vậy mà, mỗi người mỗi vẻ.
Đối với tôi, thiết nghĩ mọi chuyện đã rõ, không còn gì là mơ hồ hay phải vấn vương nữa. Chỉ cần nói đi đôi với làm sẽ tạo ra cú hích đầu tiên chuyển động cả đất nước. Ngày 04-01-2014 trong cuôc gặp đầu năm với báo Tuổi trẻ nhân bàn về thông điệp đầu năm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tiếng nói của trí thức rất rõ ràng: Chỉ cần làm đi, sẽ có chuyển biến ngay. Bắt đầu từ trả lại tự do cho những người bất đồng chính kiến bị kết án tù tội, thôi dùng báo chí lề phải và dư luận viên trấn áp lẽ phải, thực hiện ngay những quyền của công dân được ghi trong hiến pháp vừa mới được thông qua, hãy nói thật và thôi nói dối…vân vân…
 Một chuyện cũ lúc này nên kể lại: Cố tổng bí thư Trường Chinh kiên định một cách rất lý trí lập trường của mình về chủ nghĩa xã hội. Rất khó hình dung một người như thế mà cuối cùng đã giữ vai trò quyết định ở đại hội VI, dẫn đến công cuộc đổi mới. Nhiều đảng viên làm việc gần cố tổng bí thư giải thích: Không nghe tiếng nói của cuộc sống và của dân, không có trí tuệ cần thiết, không đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, cố tổng bí thư Trường Chinh có lẽ không thể chấp nhận một nghị quyết mà trên thực tế là đi ngược 180 độ đường lối kinh tế kinh điển của đảng lúc bây giờ và của chính bản thân mình. Tôi thấy giải thích này có lý và khâm phục phẩm chất quý báu này.
Tôi biết rất rõ đổi mới trước hết bắt đầu từ dân với muôn vàn việc làm vô cùng sáng tạo, khác hẳn với đường lối quan điểm chính thống, và vượt xa tầm nhìn của đảng lúc bây giờ. Qua ví dụ này thấy được, vì nước cố tổng bí thư đã học dân, đảng đã học dân, và học được. Cuối cùng, đổi mới vì lợi ích của đất nước, đảng đã chấp nhận đưa cuộc sống vào nghị quyết của đảng. Ví dụ này hôm nay vẫn có ý nghĩa rất thời sự, là tấm gương cho đảng trong khắc phục cái bệnh đưa nghị quyết của đảng vào cuộc sống – nghĩa là khiên cưỡng, duy ý chí, áp đặt… Luôn luôn đúng sẽ phải là: đưa cuộc sống vào nghị quyết của đảng, để làm cho lòng dân trở thành ý chí của đảng (chứ không phải ý đảng lòng dân), để tất cả vì dân vì nước.
Như vậy, cái gì trong sự nghiệp cải cách hiện nay đảng chưa biết, dân có thể hoàn toàn giúp được, dựa vào dân hoàn toàn có thể làm được.

Mong muốn của người đứng bên lề cuộc sống

Gần hai thập kỷ đứng bên lề cuộc sống, tôi thực sự không đủ tư cách, không đủ thông tin để đưa ra bất kể một đề nghị gì  - dù là của cá nhân - về công việc của đất nước. Tôi cũng không muốn làm như vậy. Chưa nói đến hiểu biết của tôi ngày càng hạn chế, vì cuộc sống không đứng một chỗ. Tất cả những gì tôi viết ra, xin hiểu cho đấy chỉ là sự chia sẻ suy tư để mọi người tham khảo.
(1) Viết đến đây, về phần kinh tế, tôi ước mong: Làm sao chế độ này, nhà nước này có chính sách hay “bửu bối” nào đó, khiến cho không một đồng bạc nào của nền kinh tế - dù là thuộc hình thức sở hữu nào, dù là dưới dạng nào (tiền, đất, vàng, chất xám, know-how, sức lao động, của cải…) chịu nằm yên. Mỗi đồng bạc đều ngứa ngáy hay được chỉ dẫn, được khuyến khích chui ra thị trường sinh sôi nẩy nở một cách công khai, chân chính – nghĩa là đúng với luật pháp và đàng hoàng trong luật chơi. Càng sinh sôi nảy nở nhiều, càng được bảo hộ, ưu đãi, cổ vũ, vinh danh… Trong những đồng bạc ấy, tôi nghĩ đến cả những đồng bạc do hôm qua “trót” tham nhũng mà có, nay được hưởng quy chế “khép lại quá khứ, không hồi tố” pháp luật thôi không “rờ” đến nữa. Mỗi đồng bạc thi nhau làm giầu chính đáng, có lợi cho mình và cho đất nước, để có cái trích ra một phần từ cái lợi làm ra được ấy làm giầu lại cho cộng đồng, cho đất nước. Nền kinh tế nên được vận hành theo cách khuyến khích gà đẻ trứng vàng, ngày càng nhiều gà đẻ trứng vàng, chứ không phải là đi săn gà đẻ trứng vàng như đang làm, tất cả với nguyên tắc có làm – có ăn, không có gì cho không, chống ăn cắp, khuyến khích những đồng bạc dám mạo hiểm làm giầu. Vấn đề sở hữu cũng vậy, khuyến khích mỗi đồng bạc tự dồn về không gian nào thích hợp cho nó nhất, nó có thể sinh lợi nhiều nhất. Vai trò “chủ đạo” không phải là duy ý chí hay chạy vạy cửa sau gán cho một lọai sở hữu nào đó, mà là để cho đồng bạc nào sinh lợi nhiều nhất với tinh thần vừa nêu trên tự giành lấy. Quyết sách kinh tế nên bao hàm cả quan điểm “lọt sàng xuống nia”, với nghĩa, dù mỗi đồng bạc vì lý do nào đấy “lọt” mất xuống nia cũng được khuyến khích sinh sôi nảy nở, và gần như bắt buộc (hay là bắt buộc – nếu nhà nước có tài) không được phép nằm im dưới gối. Các lực lượng vũ trang dứt khoát không được làm kinh tế.
Làm cho (a) nền kinh tế không có đồng bạc nào chịu nhàn rỗi, và (b) thực hành tiết kiệm – nên coi đấy là 2 quốc sách kinh tế hàng đầu.
Bên cạnh việc đưa nền kinh tế ra khỏi đáy khủng hoảng, tái cấu trúc nền kinh tế để có một cơ cấu mới từng bước đưa nền kinh tế ra khỏi cơ cấu lạc hậu hiện nay là vấn đề sống còn. Vì lẽ này, tăng trưởng GDP cần thiết đến thế nào chăng nữa, nhưng không nên coi là đòi hỏi quyết định. Cái đích cần tập trung sức nhằm vào là tăng trưởng đạt chất lượng cao, mang lại cải thiện thật sự cho nền kinh tế, và tạo ra được sản phẩm mới cho từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới. Trong nhiệm vụ này vai trò lựa chọn chiến lược kinh tế và quy hoạch phát triển phải có kiến thức và tầm nhìn mới.
(2) Về thể chế chính trị, tôi ước mong toàn bộ hệ thống chính trị hiện nay của đất nước cũng như từng công dân tập trung trí tuệ và nghị lực xây dựng nên được một nhà nước kiến tạo sự phát triển, hoạt động trên nền tảng kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự. Tôi thiển nghĩ, trước hết đấy là một nhà nước làm hết sức mình phục vụ vai trò làm chủ đất nước của nhân dân, coi nhiệm vụ phục vụ này là tối thượng. Nhà nước này lấy việc nâng cao sự giác ngộ về quyền làm chủ như vậy của nhân dân là con đường phát triển con người nói riêng và nguồn nhân lực quốc gia nói chung. Nhà nước này mang lại cho đất nước sự phát triển dựa trên nguồn nhân lực có sự giác ngộ cao nhất về quyền làm chủ đất nước của các công dân của nó, tạo ra động lực của phát triển  của đất nước là trí tuệ và văn hóa thường xuyên thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giáo dục trở thành nền móng của phát triển quốc gia.
Thiết nghĩ, chìa khóa cho toàn bộ sự nghiệp cải cách là tự do, dân chủ và công khai minh bạch.

Cuộc đời dứt dây động rừng

Ta làm việc cải cách hoàn toàn là công việc nội bộ của nước ta. Thế nhưng trong cái thế giới phức tạp chúng ta đang sống, sẽ khó tránh khỏi người thích kẻ chê, cả những kẻ xúi bẩy, thọc gậy bánh xe nữa, kẻ đâm bị thóc chọc bị gạo, kẻ đục nước béo cò, kẻ cướp cờ, kẻ tìm cách ngăn cản gián tiếp hay trực tiếp, kẻ dọa dẫm…  Song nước ta không thể chọn được thế giới, vì thế cần phải có bản lĩnh, thông minh, luôn luôn tạo ra trong dân sự đồng thuận cao nhất dựa trên trí tuệ và ý chí, để có điều kiện tốt nhất ta kiên định công việc của ta, không ngả nghiêng. Càng thấy, nâng cao dân trí và dân chủ là đòi hỏi vô cùng quan trọng cho mọi tình huống. Diên Hồng cũng là thế chứ gì! Trong cải cách, nhất thiết phải tránh cho bằng được kịch bản Việt Nam rơi vào số phận bị giằng xé như Ukraina lúc này. Toàn dân hiểu điều này và một lòng, dứt khoát sẽ tránh được.
Xin lưu ý, nguy cơ các nước lớn trực tiếp đánh nhau hiện nay vẫn tương đối ít. Song nguy cơ đang gia tăng là: Ở mọi nơi, các nước lớn tiếp tục giành giật nhau trên trận địa nước thứ ba hoặc các nước bên thứ ba. Bởi vì cục diện thế giới hậu chiến tranh lạnh đã chấm dứt, khoảng từ một thập kỷ nay đã đi vào cục diện quốc tế của một siêu đa cường, trong đó một số cường quốc đang nổi lên hơn trước với những đòi hỏi mới, nhất là Trung Quốc. Cuộc sống của thế giới hiện tại đang có nhiều tranh chấp mới, đang diễn ra một quá trình “tái cấu trúc” (xin tạm dùng khái niệm này cho gọn) trật tự kinh tế và chính trị. Tất cả càng thôi thúc Việt Nam phải sớm là một nước phát triển đứng vững chắc trên đôi chân của chính mình, chậm một ngày lo ngay ngáy một ngày, thua thiệt một ngày.
Song lúc này, sẽ là sai lầm phải trả giá, nếu lấy câu chuyện Ukraina bây giờ, hay chuyện biểu tình của đảng ông Sam Rainsy đang phá kết quả bầu cử ở Campuchia, chuyện các thế lực khác nhau ở Thái Lan đang mượn áo đỏ - áo vàng tranh giành nhau… để đi tới kết luận cho nước ta là cứ an phận thủ thường cam chịu như thế này là thượng sách, thậm chí để hù dọa khát vọng cải cách.
Sẽ là một tội lỗi phải lên án, nếu vin vào những chuyện như thế và nhân danh giữ ổn định để trấn áp mọi khát vọng tự do dân chủ của nhân dân…
Nhìn vào bất kể biến động quốc gia nào trên thế giới ngày nay, mầm mống ban đầu đều xuất phát từ bất công xã hội và mất dân chủ bên trong, kinh tế đổ vỡ. Một khi biến động ấy đã trở thành vấn đề quốc gia hay ở quy mô quốc gia, ngay lập tức nó biến quốc gia này thành “con mồi” – thành trận địa nước bên thứ ba – cho các thế lực lớn bên ngoài tranh giành nhau. Nói hình ảnh là thế này: Một con vật ốm yếu giữa hoang dã, ngay lập tức nó sẽ được các loài thú khác bu đến xâu xé. Vậy kết của câu chuyện là con vật này không được để mình rơi vào trạng thái ốm yếu, chứ không phải là tìm đường đi theo loài thú nào để mong có sự bảo hộ cho mình, hoặc nếu có tìm cách chê loài thú này và nịnh hót loài thú kia cũng chẳng được yên thân…
Trí tuệ, dân chủ, sự công bằng – đấy mới là nền tảng vững chắc của ổn định quốc gia, không một “định hướng xã hội chủ nghĩa” nào có thể thay thế được. Hơn thế nữa, phải có lực, có bản lĩnh, phải lựa chọn đi với cả nhân loại tiến bộ, để có thể cùng đi được với cả nhân loại tiến bộ và đồng thời để luôn luôn tranh thủ được hậu thuẫn của nhân loại tiến bộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bối cảnh thế giới lựa chọn cho đất nước ta là phấn đấu cho hòa bình, hữu nghị và hợp tác với mọi quốc gia, dứt khoát không đi với bên nào chống lại bên nào. Đơn độc, lạc lõng, bị cô lập, bị lệ thuộc đều dẫn đến chỗ chết. Không một chủ nghĩa hay tư duy ý thức hệ nào có thể đảo ngược được quy luật khắc nghiệt này của cuộc sống – kể cả chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Muốn ta là ta thì phải phấn đấu ta trở thành như vậy.  
Vì thế, dĩ bất biến ứng vạn biến trong cái thế giới quyết liệt này chỉ có thể bằng cách: Ta phải là chính ta trên nền móng của sự ổn định quốc gia và ta nhất quyết đứng trên đôi chân của ta. Chỉ có một Việt Nam của dân chủ và tự do mới có đủ trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực tạo ra được cho đất nước vị thế ta là ta như thế! Khẩu hiệu “Nước Việt Nam của người Việt Nam!” đã từng vực cả nước đứng lên trong Cách mạng Tháng Tám, hôm nay mang một nội dung mới như thế.
Hơn bao giờ hết, đất nước ta bây giờ cần làm sống lại với nội dung mới của thời đại chúng ta đang sống tinh thần Cách mạng Tháng Tám, Tuyên Ngôn Độc Lập, Hiến pháp 1946.

Đôi điều tâm sự

Viết loạt bốn bài chữ tín, đối với tôi là cái nghiệp với lọn nghĩa của từ “nghiệp” - nghĩa là phải viết, dù trong tôi cũng chống lại quyết liệt.
Có nhiều lẽ lắm. Trong đó có nỗi lo tầm nhìn của mình không bao quát được vấn đề mình viết ra, trách nhiệm lớn quá... Trong đó có nỗi lo rước vạ vào thân…  Trong đó có những ray rứt của tôi về thất bại của những người đi trước, nỗi ray rứt từ món nợ của riêng tôi đối với những người đi trước, trong đó có anh Nguyễn Cơ Thạch…
 Vì những điều ngổn ngang chưa ngã ngũ này, sau khi viết xong bài 1, cái chủ nghĩa “makeno” trong tôi quẳng việc này đi hàng chục ngày, mặc dù nội dung cho cả bốn bài đã định hình trong đầu, chỉ cần ngồi vào bàn một, hai ngày là xong.
 Cái ray rứt kéo tôi lại vào bàn. Tôi không thể ngồi yên nhìn, cứ mỗi lần đại hội đảng đến, là một lần đảng bước thêm một bước vào khóa tha hóa mới. Bốn thập kỷ vừa qua ở vị trí độc quyền, đảng đã phạm không ít sai lầm nghiêm trọng đối với đất nước, đối với chính bản thân sự nghiệp của của đảng. Nhưng hiển nhiên cách khắc phục như đã làm cho đến nay không sao đảo ngược được xu thế đảng tha hóa ngày càng trầm trọng. Đất nước trong những thập kỷ vừa qua tuy có phát triển (thật ra là tự nó nhiều hơn) nhưng đắt quá, để lại quá nhiều hậu quả mà chung cuộc chưa ai nói trước được sẽ ra sao. Trong khi đó có nhiều vấn đề rất khó đất nước phải đối mặt vượt quá bản lĩnh chính trị của đảng và năng lực quản trị của nhà nước. Mặt khác năng lực của quốc gia đang bị kìm hãm, trí tuệ rởm xua đuổi trí tuệ chân chính, cái ác vẫn cứ thắng cái thiện. Hiện tại đang ngổn ngang bao nhiêu vấn đề sống còn, đại hội XII cứ theo đường mòn thế này, đất nước sẽ đi đâu? về đâu?..
 Người tôi tâm sự nhiều nhất trong những ngày ray rứt viết loạt bài chữ “tín” này là cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, tác giả bức thư ngày 09-08-1995 gửi Bộ Chính trị ĐCSVN: Tôi lục lại trí nhớ về sự thất bại của bức thư này để rút kinh nghiệm cho mình. Bức thư này đánh dấu kết thúc sự nghiệp của tôi là cán bộ viên chức của bộ máy nhà nước.
 Chuyện cũ là thế này, bức thư thật ra chỉ mang những kiến nghị rất sơ khởi ban đầu và rất thận trọng – anh Võ Văn Kiệt chủ tâm như thế để đi từng bước. Nhưng bức thư vẫn bị bác bỏ rất quyết liệt, gây ra cho anh nhiều khó khăn mà tôi là người giúp việc cũng không hình dung nổi. Trong những phê phán nặng nề dành cho anh Kiệt về bức thư này, có một ý cho là do anh Kiệt dùng tôi làm trợ lý nên mới sinh chuyện ra như vậy. Khi ý này đến được tai tôi, ngay ngày hôm sau tôi gửi anh Kiệt bức thư xin thôi nhiệm vụ trợ lý và về hưu, coi đấy là sự phản đối của tôi về “cái ý” khó nghe ấy. Đưa thư xong tôi không trở lại nhiệm sở nữa, cũng không chờ quyết định của cơ quan. Vì tình cảm giữa hai chúng tôi cũng bịn rịn, để anh Kiệt khỏi buồn, kèm theo cái thư “từ quan” (xin tạm gọi như vậy cho vui) tôi tặng anh một bài thơ và một chai rượu tôi tự làm để chia tay, với hứa hẹn: Tôi sẽ giúp anh nhiều hơn với tư cách là người tự do. Tôi đã giữ được lời hứa này.
 Bây giờ chỉ còn một món nợ lớn đối với anh Võ Văn Kiệt tôi chưa trả được: - Ráng đóng góp vào việc đổi mới đảng!.. Tôi không ngờ đấy lại là lời dặn dò cuối cùng của anh khi chúng tôi mỗi người mỗi việc chia tay nhau – khoảng hai tuần sau, anh đi xa…
 Có thể nói, cuối cùng ray rứt vì món nợ không trả được, tôi quyết viết bằng xong 4 bài này, đúng – sai sau này sẽ tính thêm, sửa thêm, cứ phải viết xuống giấy cái đã, nếu không lại nhụt trí mất.
 Câu chuyện đáng nói ở đây là thế này, những vấn đề nêu trong bức thư 09-08-1995 còn nguyên vẹn tính thời sự đối với đất nước với đảng hôm nay. Thông điệp đầu năm 2014 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lại được một phần những vấn đề còn nguyên vẹn của bức thư đã được viết cách đây 19 năm. Tôi muốn nhìn nhận thông điệp này là sự thú nhận gián tiếp và không tự giác về tình trạng trì trệ và xuống cấp tiếp của đảng, của nhà nước. Ngẫm nghĩ như thế, viết 4 bài này tôi tự hỏi: Đất nước ta, dân tộc ta có đáng phải chịu đứng chết trong một khúc quanh như vậy của lịch sử hay không, một trạng thái trì trệ gần như một thứ bệnh hoại thư?..
 Viết bốn bài này, một lần nữa tôi thú nhận mình cũng không vô can về những gánh nặng đất nước đang phải chịu đựng./.

Võng Thị - Hà Nội, ngày 05-03-2014


 

* Thông điệp đầu năm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Tác giả gửi cho viet-studies ngày 6-3-14

3 nhận xét:

  1. "...Thông điệp đầu năm 2014 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lại được một phần những vấn đề còn nguyên vẹn của bức thư đã được viết cách đây 19 năm...."
    19 năm sau Thủ tướng chính phủ mới nói ra thôi, chứ để làm và làm thật thì không biết đến bao giờ! ông NTrung Tâm huyết với đât nước mấy chục năm rồi nhưng có ai thèm nghe đâu?ông chưa chắc đã chờ được đến ngày mai tươi sáng của Tổ quốc đâu, có kẻ nào tự chặt chân ghế của mình???

    Trả lờiXóa
  2. Có những người như bác Trung Nguyễn thì hy vọng đất nước mới thoát khỏi cảnh lầm than !

    Trả lờiXóa
  3. May mà ngài 3x nghỉ chứ ngài ấy còn tại vị thì các tỉnh xin gạo ăn tết chắc phải là 28 tỉnh,.

    Trả lờiXóa